Anh Huy hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH chocolate Hallelu (TP.HCM),àngkỹsưcơkhímêđắvương an vũ chuyên kinh doanh chocolate và các sản phẩm từ ca cao, máy móc liên quan loại quả này.
Mới đây, anh Huy nhận huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2023. Anh cũng là Thanh niên tiêu biểu TP.Thủ Đức năm 2023, Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác TP.HCM năm 2022.
NGÃ RẼ BẤT NGỜ
Anh Huy là kỹ sư cơ khí chuyên ngành ô tô, Trường ĐH Giao thông vận tải, phân hiệu tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại một tập đoàn ô tô nổi tiếng thế giới. Trong các chuyến công tác về miền Tây, anh cảm thấy sốt ruột và buồn khi chứng kiến hình ảnh nông dân chặt bỏ những vườn ca cao chỉ vì "được mùa mất giá".
"Lúc ấy, mình trăn trở và tự nhủ với bản thân rằng cần làm điều gì đó để nông dân yên tâm canh tác ca cao", anh Huy nhớ lại.
Vậy là, anh Huy quyết định nghỉ công việc có mức lương cao để tìm hiểu, nghiên cứu cách nhằm nâng cao giá trị ca cao. Quan trọng hơn là tìm được đầu ra cho ca cao, níu nông dân gắn bó lại với loại quả này.
Đây có thể coi là ngã rẽ bất ngờ đối với anh Huy. Từ một kỹ sư cơ khí, anh lập công ty, dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Anh tận dụng kiến thức từng học ở giảng đường để chế tạo máy móc sản xuất chocolate từ ca cao.
Chàng trai này đã tự mò mẫm và sáng chế thành công 6 loại máy: tách vỏ, nghiền hạt ca cao, ép bơ ca cao; gia nhiệt, bọc viên và đổ khuôn đóng gói chocolate. Trong đó, máy gia nhiệt chocolate mà anh Huy sáng chế trở thành sản phẩm "made in Vietnam" đầu tiên, có công suất lên đến 40 kg mỗi giờ nhưng giá chỉ bằng một nửa so với máy nhập.
Anh Huy cũng tự nghiên cứu, nghĩ ra công thức làm chocolate dựa trên những quy chuẩn của thế giới. "Chẳng hạn trong một thỏi chocolate thì có bao nhiêu chất béo, đường…? Mình suy nghĩ khẩu vị của cả khách trong và ngoài nước, thử nghiệm từ từ, lập ra những công thức và khi chế biến chocolate giống như giải toán. May mắn là bài toán ấy được mình giải thành công", anh chia sẻ.
Sau khi "trình làng" những sản phẩm đầu tiên, anh Huy vỡ òa vì được mọi người đón nhận, ủng hộ nhiệt tình. Dần dà, anh hoàn thiện dây chuyền sản xuất. Đến nay, chocolate của anh xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, như: Pháp, Thụy Điển, UAE, Singapore, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, anh Huy cũng kinh doanh các loại sản phẩm trái cây (mít, chuối, xoài, mắc ca…) sấy dẻo nhúng chocolate. Từ ca cao, anh sáng tạo ra cả mỹ phẩm, son môi.
Ngoài ra, với khả năng sáng chế của mình, anh Huy cũng liên tục hoàn thiện các máy móc liên quan đến ca cao, xuất khẩu cho các tập đoàn lớn tại VN và thường xuyên nhận được đơn đặt hàng từ Ấn Độ, Thái Lan, Cameroon…
"TRONG NGUY CÓ CƠ"
Anh Huy cho biết ngày đầu khởi nghiệp đã cố gắng thực hiện hai sứ mệnh, một là giúp nông dân "sống được với ca cao", hai là nâng tầm ca cao VN, giúp loại quả này vươn ra thế giới. "Và mình cảm thấy hài lòng khi giờ đây phần nào đó đã thực hiện được những điều bản thân ước mong", anh chia sẻ.
Trò chuyện với Huy, chàng trai này không thích nói về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Dù rằng bản thân đã đối diện với rất nhiều chông gai, phải "trầy vi tróc vảy" mới có được thành công như hiện tại.
"Mình nghĩ rằng bất kỳ ai khởi nghiệp cũng có thể va vấp vào những thử thách. Nhưng quan trọng là biết cách lèo lái để vượt qua", anh nói.
Chẳng hạn, vào thời điểm dịch Covid-19 diễn tiến khó lường năm 2021, việc xuất khẩu bị đình trệ thì anh Huy đã tận dụng thời gian ấy để "nâng cấp bản thân".
"Mình tự học về tài chính kế toán, làm web, kỹ năng kinh doanh, cách thiết kế bao bì chuyên nghiệp hơn… Ngoài ra, mình xem thời gian ấy là cơ hội để suy nghĩ đến những dòng sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của đa dạng khách hàng, cũng như củng cố vị thế của công ty ở thị trường trong nước", anh Huy nhớ lại và chiêm nghiệm: "Trong nguy có cơ. Khi gặp khó khăn hãy xem là cơ hội để nhìn lại bản thân. Thấy thiếu gì, còn dở chỗ nào... thì tự học và bổ sung kiến thức. Để sau khi bước qua khó khăn sẽ thấy trưởng thành hơn rất nhiều".
Hỏi anh Huy về định hướng sắp tới, chàng trai người Bình Định cho biết: "Bao bì những sản phẩm của mình đều được thiết kế các họa tiết về văn hóa người Việt như: trống đồng Đông Sơn, nón lá... Mình muốn đem thật nhiều sản phẩm "made in Vietnam" xuất khẩu. Để khi xuất hiện ở nước ngoài, mọi người sẽ biết đến VN nhiều hơn. Mình cũng kỳ vọng sẽ chuyển giao công nghệ máy móc cho các công ty nước ngoài, muốn giá trị sáng tạo của người VN được công nhận nhiều hơn trên thế giới".